Thị trường căn hộ Hà Nội: Lệch pha cung - cầu

Đăng bởi Admin vào lúc 04/05/2018

Thị trường căn hộ Hà Nội: Lệch pha cung - cầu

Đã có nhiều cảnh báo về nguồn cung căn hộ cao cấp đang trở nên dư thừa nhưng các chủ đầu tư tại Hà Nội vẫn “chọn” phân khúc này trong khi những căn hộ có giá dưới 1,5 tỷ đồng dù luôn được thị trường đón nhận vẫn tiếp tục khan hiếm.

Khẳng định với DĐDN, ông Vũ Cương Quyết – TGĐ Cty CP Đất Xanh Miền Bắc, đơn vị phân phối các dự án bất động sản dẫn chứng, chỉ trong quý I/2016, thị trường chứng kiến tổng số hơn 4.000 căn hộ mới được mở bán trong tổng số 18 dự án. Trong số đó, 11 trên tổng số 18 dự án là thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp,phân khúc giá rẻ chỉ còn lại chưa đến 7 dự án.

Lệch pha cung – cầu

Ông Quyết dự đoán, từ giờ đến cuối năm 2016 sẽ có khoảng 6.000 căn hộ cao cấp tiếp tục được tung ra thị trường Hà Nội. Trong khi nguồn cung căn hộ cao cấp đang nở rộ thì trên thị trường chưa có động thái gì về việc DN sẽ khởi công xây dựng thêm các căn hộ giá rẻ (có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2).

Báo cáo của VNREA cũng chỉ rõ, phân khúc căn hộ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng luôn có nhu cầu lớn nhất nhưng đang bị giới đầu tư bỏ quên. VNREA dẫn chứng số liệu cho thấy, tổng nguồn cung căn hộ giá rẻ trên địa bàn Hà Nội đủ điều kiện bán cho khách hàng trong năm 2016 chỉ tương đương với số lượng căn hộ mà Tập đoàn Mường Thanh bán ra trong năm 2015, tức khoảng gần 500 – 600 căn hộ. Số căn hộ này tập trung vào một số dự án như: Chung cư The One Residence nằm trong khu đô thị Gamuda Gardens; Gemek Tower; Thăng Long Victory; The Golden An Khánh; Bamboo Garden (Quốc Oai), 143 Trần Phú, 30 Phạm Văn Đồng, Bright City…

Những dự án này đều nằm xa trung tâm trong khi Sở Xây dựng cho rằng Hà Nội đang cần ít nhất 7 triệu m2 nhà ở, tương đương 120.000 căn hộ cho các đối tượng này.

Bất cập từ lệch pha cung cầu khiến chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lo ngại tình trạng bong bóng rất dễ xảy ra. Đặc biệt, khi thị trường đang đổ xô vào các sản phẩm cao cấp mà người mua chủ yếu là giới đầu tư, đầu cơ sinh lời chứ rất ít nhu cầu ở thực. Trong khi các sản phẩm căn hộ có giá bàn phù hợp với túi tiền của phần lớn người dân ngày càng hạn hẹp.
Sẽ hành động để cảnh báo DN

Hầu hết các nhà đầu tư, kinh doanh BĐS đều thừa nhận, phân khúc nhà ở có quy mô vừa và nhỏ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng vẫn là phân khúc phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu thật của đại bộ phận người dân.

Tuy nhiên, lý giải vì sao khan hiếm nhà giá thấp, ông Nguyễn Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng, cũng vì một phần là do lợi nhuận của phân khúc này thấp nên không thu hút nhiều chủ đầu tư. Trong khi đó, từ khi bắt đầu một dự án, hoàn thành thủ tục phải mất một thời gian khá dài, có khi đến vài năm, bỏ ra rất nhiều chi phí nhưng lợi nhuận thu về thấp nên rất nhiều DN không muốn tham gia.

Ông Nguyễn Minh Tuấn – TGĐ Cty nhà Tuấn Minh cho rằng, với việc dừng giải ngân và cho vay gói 30.000 tỷ chính là nguyên nhân khiến các DN không mặn mà xây dựng nhà giá rẻ cho người dân. “Giờ chúng tôi xây nhà mà người dân không có chỗ vay vốn thì làm sao có tiền mua nhà được” – ông Tuấn ngao ngán.

Ông Tuấn cũng chia sẻ, giai đoạn 2013-2014, thị trường còn trầm lắng, nhu cầu của người dân không cao, việc phát triển dự án nhà ở xã hội được xem là cứu cánh cho nhiều DN. Giờ thị trường tốt lên, những miếng đất vàng ở nội đô không thể xây những căn nhà giá rẻ nên việc đầu tư xây căn hộ cao cấp chính là việc để chúng tôi thu hồi vốn. DN này cũng ví von “Ai chẳng thích đi buôn vàng, USD. Bĩ cực mới đi buôn ve chai chứ!”.

Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận, một thị trường muốn bền vững thì phải cân đối cung cầu. Một mặt đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư nhưng mặt khác cũng phải có nguồn cung nhà ở phù hợp với túi tiền và nhu cầu ở thực của người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở. Ông Nam kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi sát diễn biến của thị trường, nhu cầu của thị trường cũng như số lượng cụ thể các dự án ở từng phân khúc để từ đó có điều chỉnh trong hoạt động trong việc cấp phép.

“Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian tới sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước có những hành động cụ thể để cảnh báo các khuynh hướng lệch lạc, đồng thời định hướng các DN tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ, giá thấp để làm cho thị trường cân bằng hơn và đáp ứng đúng nhu cầu và khả năng thanh toán của người dân” – ông Nam khẳng định.

 

×

Trợ lý AI EPHATLAND

Trò chuyện với Trợ lý