“Có rất nhiều dự án vướng mắc về pháp lý, nằm đắp chiếu nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Vì thế, cá nhân tôi rất ủng hộ việc Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để gỡ vướng cho các dự án này”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Không hợp thức hóa sai phạm
Đối với nhiều dự án, nếu căn cứ vào quy định pháp luật, đều thiếu cơ chế để giải quyết, nhưng nếu cứ đắp chiếu để đấy lại gây lãng phí vô cùng lớn. Ông đánh giá thế nào về Chỉ đạo của Bộ Chính trị vừa qua về vấn đề này?
Trước tiên, chúng ta phải nhìn nhận đây là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp, vì các dự án này đã có kết luận thanh kiểm tra, có bản án và liên quan cả đến cán bộ các cấp. Những sai phạm về đất đai cũng như tại các dự án nêu trong các kết luận có thể liên quan đến yếu tố lịch sử để lại, hay sự thay đổi về mặt chính sách pháp luật… Không ít sai phạm kể trên sẽ không thể khắc phục, xử lý được nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù.
Ví dụ, vừa qua báo chí phản ánh, có nhiều dự án quy mô lớn hàng nghìn tỷ nhưng lại “cổng đóng then cài” trong nhiều năm, gây lãng phí nguồn lực rất lớn. Hay như một dự án ở miền Trung cũng rơi vào cảnh hoang tàn khi dính vào đại án của Phạm Công Danh. Đáng lưu ý, mặc dù địa phương mong muốn nộp hơn 1.200 tỷ đồng để chuộc lại dự án, nhưng ngân hàng không đồng ý. Thế là dự án tiếp tục bế tắc nhiều năm, phơi nắng phơi sương, không triển khai được.
Trong trường hợp này cũng không thể đổ lỗi cho phía ngân hàng được, vì luật không cho phép, quá nhiều xung đột pháp lý, nên chẳng ai dám làm chuyện đó cả. Nếu làm có khi lại dẫn đến cảnh sai phạm chồng sai phạm. Do vậy, rất cần thiết phải có một nghị quyết đặc thù về vấn đề này, như thế họ sẽ có căn cứ để triển khai thực hiện. Nếu không có thì không ai dám làm, các dự án tiếp tục ngập trong cảnh hoang tàn, lãng phí.
Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng và trình Quốc hội một nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ vướng cho các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Ông có lưu ý gì về tính pháp lý khi triển khai công việc này để không hợp lý hóa sai phạm?
Tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương này. Chính vì các dự án đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, nên họ không dám làm và cũng không biết phải làm như thế nào, bắt đầu từ đâu. Với các dự án dính đến sai phạm của cán bộ lại còn phức tạp hơn.
Với rất nhiều dự án đắp chiếu lâu nay, lãng phí nguồn lực là rất lớn, vì thế, cá nhân tôi rất ủng hộ việc Quốc hội ban hành nghị quyết. Đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để gỡ vướng cho các dự án, đất đai. Nhưng vấn đề bây giờ là cần phải làm như thế nào, cách thức, biện pháp ra sao, cần phải bàn rất kỹ về tính pháp lý. Nội dung này cần được các đại biểu Quốc hội thảo luận cụ thể, chính xác, khách quan, làm sao vừa tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, vừa không hợp thức hóa sai phạm cho các dự án.
Để làm được điều này, cần tách bạch rõ ràng, từng dự án cụ thể phải xem cái sai đó do khách quan hay chủ quan, do yếu tố lịch sử để lại thế nào. Dự án đó có liên quan đến cán bộ không, việc xử lý trách nhiệm cụ thể ra sao, phần nào cần khoanh lại, phần nào cần cho tiếp tục triển khai, đi vào hoạt động… Theo tôi, việc Chính phủ chỉ đạo xây dựng một dự thảo như vậy là hết sức cần thiết. Với những dự án như vậy, cần phải đưa ra Quốc hội cho ý kiến thảo luận và quyết định là tốt nhất.
Cần đề xuất cụ thể
Cá nhân ông có mong muốn nội dung này sẽ sớm được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây?
Mong muốn là như vậy. Càng trình sớm ra Quốc hội càng tốt. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện ra sao còn phụ thuộc vào Chính phủ. Do tính chất phức tạp như vậy, nếu làm gấp rút, chất lượng không đảm bảo, hoặc không cụ thể, chính xác sẽ dẫn đến khó triển khai thực hiện. Thậm chí còn có thể bị Quốc hội bác, không thông qua, lúc đó lại mất thêm thời gian, công sức, còn dự án thì không được “giải cứu”.
Do vậy, quan điểm của tôi là đồng tình với sự cần thiết, cấp bách cần có một nghị quyết của Quốc hội. Nếu kịp trình tại kỳ họp thứ 8 diễn ra vào tháng 10 tới càng tốt, nhưng với điều kiện phải chuẩn bị cho thật kỹ lưỡng, đến khi triển khai thực hiện sẽ thuận lợi dễ dàng hơn.
Cần phải nhấn mạnh rằng, dù là nguồn lực nhà nước hay tư nhân thì cũng là nguồn lực xã hội. Nếu vì không có cơ chế để gỡ vướng, dự án cứ đắp chiếu từ năm này sang năm khác sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực vô cùng lớn cho Nhà nước, cho xã hội. Chính vì vậy, việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để gỡ vướng cho các loại dự án này là vấn đề cấp bách cần phải triển khai.
Trước tiên, dự thảo Chính phủ trình phải nêu rõ có bao nhiêu dự án cấp bách trong diện này, đó là những dự án nào, hiện trạng thế nào, sai phạm ra sao, vướng mắc pháp lý đang gặp phải là gì. Đồng thời, Chính phủ cần đề xuất cụ thể phương án xử lý cho từng dự án, đưa ra lộ trình thực hiện… Căn cứ vào các đề xuất, kiến nghị đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến và quyết định.
Quốc hội đồng ý dự án nào, phương án nào thì cứ thế triển khai thực hiện. Nếu Quốc hội không đồng ý dự án nào, coi như dự án đó không cứu được, chấp nhận phá sản. Như thế, các vướng mắc sẽ được tháo gỡ, dự án sẽ tiếp tục được triển khai, hạn chế tối đa thất thoát, lãng phí. Để làm tốt điều này, nghị quyết của Quốc hội phải được quy định rõ ràng, chính xác, khách quan, đáp ứng vấn đề thời sự và yêu cầu từ thực tiễn.
Như vậy chúng ta sẽ khơi thông được nguồn lực rất lớn cho xã hội, dù không thể xử lý được hết nhưng sẽ tạo tiền đề, căn cứ cốt lõi để giải quyết các dự án vướng mắc khác.
Cảm ơn ông!
Tại cuộc làm việc ngày 9/8 với lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương về kế hoạch triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, ông Hà đã yêu cầu đến ngày 15/8, các Bộ TN&MT, KH&ĐT, Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tư pháp… phải hoàn thành việc rà soát các khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý về đất đai, quy hoạch, đấu thầu, đấu giá, áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết những dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án. Từ đó đề xuất, báo cáo tổ công tác, Thủ tướng những cơ chế, chính sách cần sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền quản lý chuyên ngành. Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với các bộ xây dựng, trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù.