Sau 2 phiên đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức với mức trúng giá cao, ông Trần Minh - Nhà tư vấn đầu tư và quản lý bất động sản cá nhân lo ngại, các phiên đấu sau lại càng thu hút hơn, giá lại các sản phẩm khác bị đẩy cao hơn nữa.
Đấu giá đất vùng ven Hà Nội đang gây "sốt" những ngày gần đây. Bởi "chảo lửa" đấu giá đất Thanh Oai chưa kịp "nguội" với mức trúng giá chưa từng có ở khu vực này 100,5 triệu đồng/m2 cho lô cao nhất. So với mức giá khởi điểm 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2, mức giá trúng cao gấp 5-8 lần. Tiếp đó, ngày 19/8, phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) còn "nóng" hơn nữa khi kéo dài hơn 18 tiếng đồng hồ, trải qua 10 vòng trả giá, lô cao nhất trúng với giá 133,3 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, mức giá này gấp 18 lần.
Theo công cụ lịch sử giá của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến.
Trong khi đó, giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức dao động từ 22 đến 62 triệu đồng/m2 trong quý 2/2024.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn, nhận định kết quả đấu giá đất với mức cao như vậy sẽ khiến chi phí giải phóng mặt bằng các dự án mới trở nên đắt đỏ hơn. Với mức trúng đấu giá cao hơn mặt bằng chung 2 - 3 lần, người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình theo. Mức giá đất cao đột biến cũng có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm lợi nhuận từ việc giá đất tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị ứ đọng vào đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.
Ông Trần Minh - Nhà tư vấn đầu tư và quản lý bất động sản cá nhân cho rằng, sau phiên đấu giá, chỉ có 1 thứ được ghim vào đầu người dân là 133 triệu đồng/m2 đất huyện Hà Nội (mức cao nhất cho lô góc) và làm cho đất, bất động sản lại càng nóng hơn. Phiên đấu sau lại càng thu hút hơn, giá lại càng chênh hơn nữa, neo giá lại càng khủng khiếp hơn.
Sau mức giá kỷ lục của 2 phiên đấu giá ở Hoài Đức, Thanh Oai, ông Minh đặt ra câu hỏi: "Nếu như giờ đấu giá đất ở Đông Anh, Gia Lâm hay Văn Giang giáp Hà Nội thì liệu giá có tới 180-250 triệu đồng/m2 vì các huyện này xu hướng phát triển hơn. Vậy giá dự án thấp tầng theo tôi dự đoán bán phải 300-400 triệu đồng/m2, chung cư lại phải tăng lên 80-100/triệu đồng/m2".
Ông Minh cho hay, các phiên đấu giá gần đây thu hút của người dân, nhà đầu tư, đầu cơ và dễ tạo thành FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) cho người mua mới.
Theo thống kê của Batdongsan.com.vn, nhu cầu tìm kiếm đất nền trong quý 2 tăng 33% so với quý I/2024. Tuy nhiên, đây chỉ là sự cải thiện cục bộ tại một số khu vực, nhất là ở miền Bắc. Trong đó, Hà Nội chứng kiến lượng người quan tâm đất nền tăng tới 75%.
Cụ thể, nửa đầu năm 2024, đất nền ở các khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai của Hà Nội ghi nhận lượt tìm kiếm tăng 48% - 104%, kéo theo giá rao bán đất nền tại các huyện ngoại thành này tăng 4% - 24% so với nửa cuối năm 2023.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, Hoài Đức cùng với Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì là 5 huyện sẽ lên quận vào năm 2025. Hoài Đức nằm ở phía Tây, cách trung tâm thành phố hơn 15 km. Huyện này có diện tích 82 km2, dân số trên 230.000 người, gồm 19 xã và một thị trấn.