BIDV đề xuất giải pháp “giải cứu” bất động sản

Đăng bởi Admin vào lúc 04/05/2018

 

 

BIDV đã đề xuất lên Chính phủ nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay...

Sáng ngày 18/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn công tác doThủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu cùng các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đại diện các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính,Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Thành phố HCM về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu.

Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV đã đề xuất lên Chính phủ nhiều giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay.

Theo đó, BIDV đề nghị đưa các biện pháp tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản vào Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2013, Chính phủ xem xét đưa ra Nghị quyết chung về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ nghiên cứu xem xét sửa đổi Nghị định về việc quản lý thị trường bất động sản và nhà ở trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ cho phép các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ đối với các chủ đầu tư dự án và được giữ nguyên nhóm nợ như trước khi thực hiện cơ cấu. Chính phủ xem xét chấp thuận việc thành lập Công ty tài chính tái cho vay thế chấp nhà ở quốc gia. Hoạt động của Công ty này sẽ góp phần tạo ra nguồn vốn trung dài hạn cho thị trường, giải quyết lượng tồn kho bất động sản hiện nay, giải quyết nợ xấu cho các ngân hàng.

Đề nghị Chính phủ giao các ngân hàng có dư nợ cho vay nhà ở lớn quản lý các nguồn vốn ODA dành cho mục đích phát triển nhà để tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay. Song song với đó là việc yêu cầu các giao dịch bất động sản của các dự án phải được giao dịch qua sàn giao dịch bất động sản. Có chế tài mạnh (như xử phạt hành chính, không cấp chứng nhận sở hữu,…) để xử lý những giao dịch ngầm không qua sàn.

Các cơ quan quản lý bất động sản cũng cần có biện pháp mạnh, quyết liệt đối với các chủ dự án khi triển khai không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng, quy hoạch. Thực hiện thu hồi các dự án không tuân thủ đúng cam kết khi cấp phép đầu tư, yêu cầu dừng đầu tư các dự án mới chỉ thực hiện xong giải tỏa mặt bằng, yêu cầu các chủ dự án thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tiết giảm chi phí, giảm giá bán.

Đối với Ngân hàng nhà nước, cần xây dựng chính sách tín dụng theo hướng không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, nhưng điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay với từng đối tượng.

Ngân hàng nhà nước có các cơ chế, chính sách hợp lý khuyến khích các Ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng bán lẻ cho vay người mua nhà để ở: không tính trong dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản vì là người mua cuối cùng; có các cơ chế ưu đãi về nguồn vốn đối với dư nợ cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở như tái chiết khấu với lãi suất ưu đãi, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với số dư cho vay bán lẻ thế chấp nhà ở… để các Ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay mua nhà; khuyến khích các Ngân hàng thương mại tăng trưởng tín dụng cho vay cá nhân mua nhà.

Về lộ trình thực hiện, cần xây dựng chiến lược chi tiết theo từng giai đoạn, tập trung đi vào chiều sâu hơn là triển khai đồng loạt trên diện rộng nhưng không đi đến kết quả cuối cùng. Cần xác định phân khúc thị trường căn hộ có giá trung bình trở xuống, đáp ứng theo nhu cầu của đông đảo người dân. Sau khi giải quyết xong phân khúc thị trường này mới tiếp tục xem xét tháo gỡ cho các phân khúc thị trường khác.

Thời gian thực hiện các giải pháp cần triển khai ngay từ cuối năm 2012, qua đó định hướng và tạo tâm lý ổn định cho thị trường, nhà đầu tư cũng như người có nhu cầu mua nhà.